Không giống như dưới xuôi, người ta nấu cơm bằng nồi, niêu thì món cơm trên này được nấu trong những ống nứa và được người dân nơi đây gọi là món cơm lam.
Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng cơm lam cũng đơn giản chỉ là gạo nấu chín thành cơm. Tuy nhiên sự khác biệt trong cách nấu này đã tạo ra món cơm cùng cái tên lạ lẫm gắn liền với người con vùng núi đã từ rất lâu đời rồi.
Cơm lam đơn giản chỉ là cách gọi quen thuộc của người dân miền núi với cách nấu cơm bằng ống nứa. Có thể hiểu rằng “lam” là cách dùng ống nứa thay nồi để nấu nhưng lại tạo ra những miếng ăn miếng uống hơn hẳn nấu trong nồi và đặc biệt, đó còn là cách đun nấu rất “nghệ sĩ”, dân dã khác thường mà cũng phong lưu khác thường của người dân miền núi.
Tham khảo: cá kho Vũ Đại Hà Nam
Mỗi lần lên núi làn nương, leo lên đến đỉnh dốc cao là mũi với tai tranh nhau “thở”, khát như thể bị vắt kiệt nước trong người. Tiện có con dao đeo bên hông, lại tiện có cánh rừng nứa bạt ngàn, người dân thường chọn cây nứa ngộ còn non chặt lấy một dóng lưng chừng thân cây. Những dóng nứa như thế bao giờ cũng chứa sẵn thứ nước trong vắt và tinh khiết vô cùng. Phạt đi một đầu mắt, dùng lá chuối hoặc lá dong đút nút lại, chất củi chung quanh đốt cho nước sôi. Rồi vừa nghỉ thảnh thơi hứng gió trời nắng trời, vừa thong thả nhấp từng hớp nước rót trong ống nứa ra. Ngan ngát, thơm thơm, ngòn ngọt, man mát đậm hương của núi rừng mà xua đi bao mệt mỏi. Cái thứ nước ấy cũng được gọi là nước lam. Có thể múc nước suối vào ống nứa để lam, nhưng thua xa thứ nước trời đất tích tụ trong ống nứa, chẳng khác nước dừa tích tụ trong quả dừa.
Món cơm lam ngày xưa chỉ dành cho những người đi rừng. Nghỉ ở đâu lam cơm luôn ở đó, cơm rất ngon mà lại chẳng phải mang đồ lỉnh kỉnh theo khi lên rừng, chỉ một chút gạo gói vào túi mang đi thêm chút thức ăn là có thể no bụng rồi. Hoặc cũng có thể lam cơm trước rồi mang theo, nhưng cũng rất gọn và dễ mang.
Cách làm cơm lam khá đơn giản. Cho gạo đã vo sạch vào ống nứa non, dùng nước trong nứa để nấu là ngon ngọt nhất, cuộn lá dong nút chặt lại một đầu rồi chất củi đốt. Đốt lửa cho đều sao cho khi vỏ nữa cháy thành từng lớp than mỏng phủ chung quanh ống nứa thì đó cũng là lúc cơm chín. Nếu ăn ngay thì chỉ việc chặt ống ra, nếu muốn để được lâu thì chỉ cần bỏ hết lớp nứa bị cháy bên ngoài, chỉ để lại một lớp vỏ mỏng trắng sạch sẽ, sẽ dùng được cả tuần mà không sợ cơm bị thiu. Dù không kèm với thức ăn khác hay muối thì món cơm lam này cũng rất ngon và dễ ăn.
Bạn có thể ăn cơm lam kèm với các món ăn khác, tuy nhiên món cơm lam này ăn với muối riềng là tuyệt vời nhất. Muối riềng làm từ muối rang với củ riềng giã nhỏ như kiểu rang muối vừng, rất đơn giản mà lại ngon đến khỏ tả. Vị thơm cay của muối riềng quyện với vị ngọt mát của cơm làm tạo nên một hương vị thanh đạm đến lạ thường. Sáng tạo hơn, người ta chiên cơm lam cho chín vàng rồi ăn kèm với dừa tươi bảo nhỏ cũng rất ngon.
Ngày nay, cơm lam nổi tiếng khắp bốn phương, bạn có thể thấy người ta bán cơm lam rất nhiều tại các khu chợ trên núi, nơi có nhiều khách du lịch ghé qua. Và để phục vụ thêm nhu cầu của du khách, món cơm lam đặc sản vùng núi phía Bắc Việt Nam được làm khác đi một chút, họ có thể thêm chút nước dừa với cùi dửa bào nhỏ trộn lẫn với gạo nếp rồi sau đó cho vào lam. Cơm sẽ vừa có vị ngọt thanh của núi rừng vừa có vị ngậy béo của nước dừa cũng sẽ rất ngon. Cũng khéo léo hơn, người dân nơi đây cũng trộn gạo nếp với các nước mầu được chế hoàn toàn từ núi rừng cho cơm lam có màu rất hấp dẫn và ngon mắt hơn.
Ngoài ra đến với khu rừng núi phía Bắc, bạn còn có thế biết đến một món cơm ngon lạ không bút nào tả xiết. Cũng gần giống với món cơm lam nhưng món cơm này lại được nấu trong những trái dừa tươi. Gạo nếp, đỗ xanh ngâm ký trộn gia vị rồi nhét vào trái dừa rồi cũng cho nên củi đốt như cơm lam cho đến cháy vỏ.
Cơm Lam có vị bùi bùi của gạo nếp nương, có vị ngọt của gạo nếp nương hòa quện cùng với vị ngọt được tiết ra từ ống nứa và có mùi thơm rất đặc trưng của núi rừng. Nay cơm lam đã trở thành một thứ hàng hóa và còn trở thành món “đặc sản” trong các nhà hàng, khách sạn được nhiều người biết đến và rất yêu thích.